Ngày 3 tháng 3 âm lịch Tết Hàn Thực là ngày gì?

 

Tết Hàn thực được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm. Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày tết đặc biệt này, hãy cùng tìm hiểu với bài viết sau.

Là người Việt Nam không ai là không biết tết Hàn thực là ngày gì, bởi năm nào cũng thế vào ngày 3 tháng 3 âm lich lại làm một mâm cúng tết bánh trôi bánh chay. Tuy nhiên nguồn gốc và ý nghĩa của tết hàn thực thì không phải là ai cũng có thể nắm rõ.

Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3

Tết ngày 3 tháng 3 là tết truyền thống có từ rất lâu đời ở một số tỉnh của Trung Quốc, các tỉnh miền bắc Việt Nam và cộng đồng người Hoa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy mùng 3 tháng 3 là ngày gì? Đây thực ra là một từ Hán. Hàn có nghĩa là lạnh, còn thực có nghĩa là thức ăn. Tết Hàn thực hay còn gọi là tết thức ăn lạnh. Và nguồn gốc của ngày tết này được bắt nguồn từ một câu chuyện cổ có từ đời Xuân Thu.

Tương truyền vào đời Xuân Thu (770 – 221), có vua Tấn Văn Công của nước Tấn vì gặp loạn nên phải bỏ nước và sống cuộc đời lưu vong, nay ở nước Tề, mai lại ở nước Sở. Theo phò vua có một hiền sĩ có tên Giới Tử Thôi. Trong một lần đi lánh nạn vì nguồn lương thực đã cạn kiệt nên Giới Tử Thôi đã cắt một miếng thịt ở trên đùi của mình chế biến làm món ăn để dâng vua. Sau khi ăn xong, vua có hỏi lại thì mới biết đó là thịt đùi của Giới Tử Thôi nên trong lòng vô cùng cảm kích.

tết hàn thực

Sự tích Tết Hàn Thực lấy từ tích thời Xuân Thu.

Giới Tử Thôi phò vua Tấn Văn Công trong thời gian mười chín năm dài đằng đẵng, cùng nếm trải không biết bao nhiêu gian truân, vất vả và nguy hiểm. Ấy thế mà, sau này khi vua Tấn Văn Công giành được ngôi vị, dù trọng thưởng hậu hĩnh cho những người phò vua trong suốt thời gian lưu vong, nhưng lại không hề nhớ đến Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không hề oán trách, nghĩ đó là việc mà mình nên làm, vậy nên ông trở về nhà và đưa mẹ già vào núi Điền Sơn để ở ẩn.

Mãi đến tận sau này khi đã nhớ ra công lao của Giới Tử Thôi, vua Tấn Văn Công mới cho người triệu về. Tuy nhiên Giới Tử Thôi một mực không muốn rời khỏi Điền Sơn. Tấn Văn Công hạ lệnh cho đốt rừng với mục đích ép Giới Tử Thôi phải nhượng bộ. Nhưng vì Giới Tử Thôi đã hạ quyết tâm, vậy nên cuối cùng hai mẹ con đều bị chết cháy. Tấn Văn Công cảm thấy hối lỗi nên đã cho lập đền thờ và hạ lệnh không được đốt lửa trong thời gian 3 ngày (ngày 3/3 – 5/3 âm lịch) và chỉ được ăn thức ăn nguội.

Ở Việt Nam, Tết Hàn thự cũng có nguồn gốc từ tục này và tổ chức vào ngày 3/3 nhưng chỉ cúng bánh trôi, bánh chay cho ông bà tổ tiên. Và người Việt cũng không quên bài văn khấn tết Hàn thực, để bày tỏ lòng biết ơn tới những những người đã khuất trong gia đình.

tết hàn thực là gì

Lễ Hàn thực, Người Việt cúng bánh trôi và bánh chay.

Ý nghĩa của bánh trôi bánh chay trong tết Hàn thực của người Việt ta

Hướng về cội nguồn

Ý nghĩa tết Hàn thực đối với người Việt hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công ơn đối với những người đã mất. Như ngày lễ Hai Bà Trưng 6/3 có tục dâng bánh trôi, giỗ tổ Hùng Vương dâng bánh trôi, bánh chay…Có thể thấy rõ một điều, tết Hàn thực mang đậm màu sắc của dân tộc, có từ thời kỳ dựng nước và giữ nước.

Truyền thống dân tộc

Trong ngày tết bánh trôi bánh chay, người Việt thường làm bánh trôi và bánh chay. Đây là 2 loại bánh đặc trưng của dân tộc được làm từ nguyên liệu chính là bột nếp.

Ôn lại chuyện xưa

Vào ngày tết Hàn thực cùng mọi người trong gia đình thưởng thức bánh trôi, bánh chay để cảm nhận rõ ràng hơn về nhân tình thế thái. Bên cạnh đó, người ta cũng truyền tai nhau rằng, quây quần trong ngày mùng 3/3 cùng nhau ôn lại chuyện xưa, chuyện của dân tộc ở thời đã xa.

tết hàn thực là ngày gì

Ý nghĩa của tết Hàn thực của người Việt là hướng về cội nguồn.

Cách làm bánh trôi – bánh chay cho Tết Hàn thực ý nghĩa

Nguyên liệu làm bánh trôi bánh chay

  • Bột nếp: 200gr.
  • Đường: 12 – 14 viên nhỏ (lưu ý: loại đường dùng làm bánh trôi) hoặc dùng đường Palm sugar rồi cắt nhỏ làm bánh trôi.
  • Đậu xanh đã làm sạch vỏ: 30gr.
  • Vừng trắng.
  • Nước cốt dừa, dừa tươi đã nạo dạng sợi.
  • Bột năng hoặc bột sắn.

Hướng dẫn làm bánh trôi – bánh chay

Trong ngày 3 tháng 3 âm lich, hai món bánh không thể thiếu là bánh trôi và bánh chay. Để làm hai loại bánh này không hề khó, nếu làm theo hướng dẫn sau:

Chuẩn bị bột: Cho bột vào trong một cái bát to, sau đó cho nước ấm vào bột, khuấy đều rồi dùng tay để nhào bột. Nhồi làm sao cho bột thật dẻo, khi cầm chắc tay. Tuyệt đối không được để bột quá khô hoặc quá nhão. Khi nhào bột xong, dùng giấy gói thực phẩm bọc kín tô bột lại cho bột khỏi bị khô.

Làm nhân bánh:

  • Nhân bánh chay: Đậu xanh ngâm qua đêm hoặc ngâm trước 2- 3 tiếng trước khi chế biến với nước ấm. Sau đó cho đậu xanh vào trong nồi, đổ nước và bật lửa vừa. Khi đậu sôi thì giảm lửa nhỏ, nêm thêm đường, muối sao cho thật ngọt rồi tiếp tục đun cho tới khi nào cạn nước mới thôi. Với đậu xanh, khi đã chín hãy nghiền cho thật nhuyễn rồi vắt lại thành nắm nhỏ. Tốt nhất nên làm lúc đậu vẫn đang còn nóng vì như thế khả năng kết dính của đậu cũng sẽ cao hơn. Nếu muốn cũng có thể cho thêm dừa nạo dạng sợi vào trong nhân.
  • Nhân bánh trôi: Cắt đường thành từng miếng nhỏ.
  • Vừng trắng: Cho vừng trắng lên chảo và rang chín.

Nặn bánh: Với bột đã được nhào sẵn, hãy chia thành nhiều phần nhỏ tương ứng với số lượng nhân bánh. Sau đó ấn dẹt từ phần bột và cho nhân vào giữa, gói lại và vo cho thật tròn. Hãy đảm bảo bánh đã được vo kín như vậy không khí không thể vào trong và khi luộc bánh cũng không bị vỡ.

tết bánh trôi bánh chay

Cho nhân bánh vào giữa và vo tròn lại.

Luộc bánh: Cho một nồi nước lên bếp. Đến khi nước sôi thì thả bánh đã nặn vào. Đun đến khi nào nhìn thấy bánh nổi trên mặt nước và trong thì vớt bánh ra, rồi cho bánh vào trong một bát nước lạnh. Sau đó, vớt bánh cho lên đĩa và rắc vừng trắng đã rang lên.

Cách nấu nước bánh chay: Hòa bột sắn dây cùng 100gr đường và nước. Sau đó cho lên bếp để đun sôi, đun đến khi nào hỗn hợp có dạng lỏng và sánh thì tắt bếp. Để tạo mùi thơm, đừng quên cho nước hoa bưởi vào trong hỗn hợp.

Bánh chay luộc chín cho vào trong bát, cho thêm nước sắn dây vào. Nếu muốn bạn cũng có thể rắc thêm hạt đậu xanh đã nấu chín hoặc dừa nạo dạng sợi. Nếu muốn có món bánh chay nhiều màu sắc trong ngày tết Hàn thực, có thể cho lá dứa, củ dền, trà xanh vào trong bột làm bánh.

ý nghĩa tết hàn thực

Bánh trôi, bánh chay vào ngày mùng 3 tháng 3.

Mong rằng với những thông tin mà bài viết này chia sẻ, đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về tết Hàn thực – ý nghĩa và nguồn gốc. Đồng thời biết cách chế biến món bánh trôi, bánh chay – hai món bánh truyền thống không thể thiếu của người Việt trong ngày tết mùng 3 tháng 3 hàng năm.

Ngô Thị Thu

Ngô Thị Thu là người sáng lập và CEO công ty cổ phần Dịch vụ Đồ Cúng Tâm Linh. Với sứ mệnh mong muốn sáng tạo ra những điều thật sự có giá trị phục vụ cho cộng đồng, Ngô Thị Thu cùng những người đồng đội của mình đã từng bước tìm tòi, không ngừng phát triển Công ty CP DV Đồ Cúng Tâm Linh để có thể mang đến những sản phẩm có giá trị cho khách hàng đến ngày nay.